BÀI ĐƯỢC VIẾT BỞI – Trần Uyên Phương
Nếu phải lựa chọn giữa một công ty đa quốc gia cung cấp các lựa chọn chung chung và một thương hiệu trong vùng tập trung vào những sản phẩm được nội địa hoá, bạn nghĩ bên nào sẽ thành công hơn?
Tôi đứng về phía các doanh nghiệp nội địa, với lý do sau: những sản phẩm nội địa, nguyên bản rất khó bị đánh bại. Các công ty nội địa hoặc trong vùng thì thường liên kết chặt chẽ hơn với các cộng đồng cũng như người tiêu dùng của họ. Chính nhờ mối liên kết ấy, các công ty này có thể tuân thủ nguyên tắc marketing nền tảng 4P – product (sản phẩm), price (giá cả), promotion (quảng bá), và place (địa điểm).
Nói như thế không có nghĩa là các công ty đa quốc gia không cố gắng điều chỉnh các mặt hàng và thông điệp của họ ứng với từng khu vực mà họ phục vụ, nhưng việc đó sẽ khó khăn hơn bởi bản chất họ vẫn là công ty đa quốc gia. Xét về yếu tố “địa điểm” trong 4P, công ty nội địa vẫn nắm giữ vị thế tốt hơn tất cả.
Dưới đây là năm lý do tại sao các doanh nghiệp tập trung vào nội địa có ưu thế hơn các công ty đa quốc gia trong những thị trường mà họ cạnh tranh:
• Họ thấu hiểu khách hàng của mình. Xét về vị trí địa lý và những sản phẩm/dịch vụ họ cung cấp, các doanh nghiệp nội địa có ưu thế vượt lên trên những tập đoàn đa quốc gia trong việc tận dụng sự thấu hiểu tâm lý khách hàng. Họ có khả năng diễn giải chính xác hơn các nghiên cứu thị trường vì họ gần gũi với chính thị trường đó.
• Xây dựng được một kết nối cá nhân với những người tiêu dùng. Các công ty nội địa thường là doanh nghiệp gia đình, và những nhà sáng lập là những người nổi tiếng ở địa phương. Từ các gói tài trợ cho những sự kiện hoặc hoạt động trong vùng cho đến sự xuất hiện của các cửa hàng trên thực tế, mọi người xung quanh đều nhận diện được những người chủ và những gương mặt đại diện của công ty. Dù có chi bao nhiêu ngân sách marketing đa quốc gia đi chăng nữa cũng chẳng thể nào phỏng theo được các mối quan hệ chân thành như thế. Những mối quan hệ ấy phải tự mình gầy dựng.
• Việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D – research & development) chứa đựng ít rủi ro hơn các công ty đa quốc gia. Các công ty nội địa đồng thời được hưởng tỷ lệ rủi ro thấp hơn/thuận lợi cao hơn khi tung ra những sản phẩm mới – cũng là “huyết mạch” của bất kỳ công ty nào. Các công ty nội địa có thể hành động nhanh chóng; họ có thể dễ dàng loại bỏ các sản phẩm không hiệu quả kể cả khi những nghiên cứu khách hàng sơ bộ đề xuất làm ngược lại. Điều ấy giúp giảm thiểu thiệt hại và cho phép các công ty nội địa tiếp tục đổi mới trong khi vẫn mang đến những sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn.
• Việc giao sản phẩm trực tiếp hơn và đi thẳng từ nguồn hàng. Các công ty nội địa có thể tung các sản phẩm ra thị trường nhanh hơn các tập đoàn đa quốc gia bởi bộ máy của họ ít cồng kềnh, quan liêu và có tính kinh doanh cao hơn nhiều. Hơn thế nữa, xu hướng phổ biến của những người tiêu dùng là ngày càng quan tâm đến nơi các sản phẩm được sản xuất và xuất xứ của chúng.
• Họ có sự gắn kết với một thị trường. Các công ty nội địa thường chỉ nhắm mục tiêu là thị trường địa phương và có thể phục vụ đầy đủ các nhu cầu của thị trường đó. Những công ty đa quốc gia thì ngược lại, họ hiếm khi tung ra một sản phẩm chỉ ở một thị trường nhất định; họ sẽ cố gắng để chiều lòng nhiều thị trường.
Sức mạnh của các công ty đa quốc gia là không thể chối cãi – xét trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, khi cung cấp các sản phẩm nguyên bản và dành riêng cho nội địa, ít công ty đa quốc gia nào có thể cạnh tranh lại sức mạnh của một doanh nghiệp nội địa. Tìm hiểu thêm về cách thức mà doanh nghiệp gia đình tôi đã thành công trong việc cung cấp các sản phẩm nguyên bản ở quy mô quốc gia mà vẫn vượt lên những người khổng lồ như Coca-Cola bằng cách truy cập website phuonguyentran.com.