Tầm quan trọng của những lãnh đạo nữ với tư cách là tấm gương để noi theo
BÀI ĐƯỢC VIẾT BỞI : Trần Uyên Phương
Trần Uyên Phương là một diễn giả, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP), một nhà tư vấn và đồng thời là tác giả cuốn sách Vượt lên Người khổng lồ.
Trước đây, tôi đã thảo luận về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của phụ nữ trong thế giới kinh doanh và ngay cả trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Việc đưa phụ nữ vào các vai trò cao nhất của chính phủ, các tổ chức kinh doanh và văn hoá vừa có tính chất quan trọng lại vừa cực kỳ có lợi. Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều phụ nữ có cơ hội theo đuổi ước mơ của mình: dù là một phụ nữ hướng sự nghiệp, một người mẹ ở nhà hay một người nào đó cố gắng cân bằng cả hai vai trò kể trên. Và điều đó xuất phát từ việc tồn tại các tấm gương để phái nữ noi theo. Các công ty muốn thành công cần phải thấu hiểu được điều gì truyền động lực cho phái nữ, vì chúng tôi là một phần ngang bằng trong lực lượng lao động của đất nước tính về mặt số lượng, đó là chưa xét đến mức thu nhập hoặc sự tín nhiệm.
Khi tôi xem xét vị trí mà mình và em gái đang nắm giữ, tôi biết chúng tôi rất vinh dự được là những nhà quản lý cho thế hệ thứ hai của gia tộc họ Trần ở THP. Chúng tôi là biểu trưng của sự chuyển đổi diễn ra ở các doanh nghiệp gia đình trên châu Á – và khắp thế giới. Ngày nay, đó không chỉ đơn giản là sự chuyển dịch thế hệ, mà còn là sự chuyển dịch về mặt giới tính. Tôi đã dành phần lớn cuốn sách của mình để thảo luận về cách các công ty nội địa có thể đứng vững trước những tập đoàn đa quốc gia, nhưng có lẽ bây giờ chúng ta cũng cần tìm một danh xưng nữ giới thay cho David trong câu chuyện ngụ ngôn về trận chiến chống lại người khổng lồ Goliath.
Có một điều chắc chắn là: nhờ những lời răn dạy và khuyên bảo của ba mà chúng tôi mới có thể nên người; dẫu vậy, tấm gương của mẹ đã tạo ra một tác động không thể xoá nhà với chúng tôi – với tư cách là những người phụ nữ. Mẹ là một nữ doanh nhân bẩm sinh với cá tính mạnh mẽ. Đến từ một khu phố nghèo, mẹ đã luôn cố gắng thoát khỏi số phận của nhiều bạn bè đồng trang lứa: phải lấy chồng ở độ tuổi thiếu niên. Thời đi học, mẹ kiếm tiền bằng việc viết bài và xuất bản chúng trong một bản tin hàng tuần mà mẹ phân phát cho các lớp khác. Mẹ cũng từ chối sự theo đuổi của một công tử nhà giàu si tình – bởi lẽ mẹ vô cùng trân quý sự tự chủ của bản thân.
Mẹ đã tiếp tục đi theo con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp trung học, mẹ vào đại học theo ngành luật. Tiếc thay, điều kiện tài chính của gia đình đã khiến mẹ phải rời ghế giảng đường trước khi có thể hoàn thành tấm bằng cử nhân. Thay vào đó, mẹ đã mở quầy bán đường ở thời điểm ấy – chính là tiền đề trang bị cho việc kinh doanh mà mẹ sáng lập với ba.
Sau khi cưới ba, mẹ là người gánh gồng phần việc nặng. Ba là người sản xuất đường, còn mẹ đưa thành phẩm ra chợ. Mỗi ngày mẹ phải vác hơn một tấn đường trên vai. Làm việc luôn là bản năng thứ hai trong mẹ. Tôi gần như đã được mẹ sinh ra trên đường đến bệnh viện, vì mẹ từ chối nghỉ làm cho đến khi thực sự chuyển dạ. Một tuần sau khi được xuất viện, mẹ đã trở lại làm việc ngay. Cả khi mẹ sinh các em tôi cũng vậy.
Tấm gương về đạo đức làm việc, tinh thần lạc quan và khiêm tốn của mẹ chính là những gì bản thân tôi cố gắng lấy làm hình mẫu cho mọi người xung quanh. Chính những mẫu hình như mẹ và rất nhiều những người phụ nữ tuyệt vời khác đã giúp các tổ chức và toàn thể xã hội ngày càng lớn mạnh.
Theo dõi tôi trên Twitter hoặc LinkedIn.