Giới trẻ Châu Á thượng lưu đang có rất nhiều lợi thế ở thời điểm hiện tại, chí ít là ở riêng Hollywood.
Nhưng bản chất vấn đề là: sự giàu có của Châu Á không hẳn là điều gì mới lạ. Khu vực này đã nghe được tiếng gầm vang của nhiều “con hổ” ở lĩnh vực kinh tế trong những thập kỷ gần đây và giờ đến lượt Việt Nam dẫn đầu làn sóng đó.
Kể từ sau khi xuất bản cuốn sách “Vượt lên Người khổng lồ”, đôi khi tôi vẫn tự hỏi ‘Tại sao mình lại viết quyển sách đó?’.
Là một trong số những người thừa kế đương nhiên doanh nghiệp sản xuất đồ uống và thực phẩm lớn nhất Việt Nam, tưởng chừng như tôi đã đang ở trên đỉnh cao. Vậy tại sao tôi vẫn muốn kiếm thêm nhiều tiền và nổi tiếng hơn nữa?
Đó là một câu hỏi rất hay. Đi cùng với nó là một câu trả lời ngắn gọn. Đó không phải mục đích của tôi.
Một người thừa kế được hiểu là người thừa hưởng một cách hợp pháp cái gì đó, một khối tài sản hoặc công việc kinh doanh chẳng hạn. Nhưng theo góc nhìn của tôi, đó là một người làm việc đủ chăm chỉ để được hưởng vinh dự và đặc quyền tiếp nối di sản của việc kinh doanh phát triển tốt.
Trong trường hợp của tôi, di sản mà tôi nói tới được dựng lên bởi ba mẹ tôi, Dr Thanh và Bà Nụ.
Họ đã xây dựng THP thành một doanh nghiệp-tỷ-đô thịnh vượng từ những điều tưởng chừng như “không thể”. Thời điểm họ khởi nghiệp, Việt Nam đã bị tàn phá khốc liệt bởi chiến tranh với hàng loạt lệnh cấm vận thương mại, đó là chưa kể những thách thức của việc tái xây dựng cả một quốc gia.
Lạm phát gia tăng khủng khiếp lên tới mức 900% và chính quyền đã phải thay đổi mệnh giá tiền tệ tới 3 lần. Tham nhũng và hối lộ hoành hành trong bộ máy chính quyền và trên thương trường, ở tất cả mọi phân khúc.
Bạn có thể thấy những vấn đề ấy khiến các điều kiện kinh tế trở nên rất khó khăn để ba mẹ tôi có thể thành lập và phát triển một doanh nghiệp. Hầu hết mọi người ở thế hệ chúng ta ngày nay không thể nào tưởng tượng ra được tình thế mà họ và vô số người chủ doanh nghiệp khác phải đối mặt.
Cùng nhau lớn mạnh và việc cho đi
Trong suốt cuộc đời tôi, ba mẹ tôi luôn dạy rằng mình phải đạt được thứ mình muốn. Mình không thể được định sẵn để có được một thứ gì đó.
Bản thân tôi bắt đầu công việc tại THP với vai trò thư ký, tôi đã học hỏi việc kinh doanh từ gốc lên và đã làm qua nhiều vị trị trí trước khi đạt tới vị trí hiện tại.
Tôi đã không được mặc định hưởng một đặc quyền nào chỉ vì tôi là con của ông chủ. Thực tế, mọi thứ thậm chí còn khó khăn và thách thức nhiều hơn. Người cấp trên khó tính nhất đã (và đang) là ba tôi.
Ba mẹ cũng dạy tôi tầm quan trọng của việc cho đi bởi vì họ đã luôn được thúc đẩy bởi những điều lớn lao hơn tiền bạc. Từ khi còn nhỏ tôi đã học được rằng, thành công không chỉ là một cuộc đua cá nhân, nó còn được đo bằng việc mình có thể giúp những người xung quanh vươn lên và phát triển như thế nào.
Ví dụ, tại THP, chúng tôi đo lường thành công không chỉ thông qua việc đạt được những mục tiêu tài chính, mà còn thông qua việc năng suất lao động của mỗi người được cải thiện như thế nào, và cách mà mỗi người hỗ trợ những đồng nghiệp khác để đạt được một mục tiêu thành công chung. Đó là một cách lạ để đánh giá nhân viên, nhưng nó hợp với chúng tôi.
Chúng tôi cũng đồng thời cam kết đưa Việt Nam vươn lên thông qua những chương trình Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp, phần lớn nhằm hỗ trợ những sáng kiến cơ sở ở đường dài, giúp tạo nên sự độc lập trong các cộng đồng.
Đó chỉ là một vài điều trong vô số những thứ tôi đã được ba mẹ dạy, và tôi muốn chia sẻ chúng thông qua cuốn sách mà tôi đã viết.
Cầu nối Đông – Tây
Dù đã đi du học nước ngoài nhưng tôi luôn tự hào là một người Việt Nam. Với tôi, chẳng có xung đột nào trong những giá trị văn hoá của Phương Tây và Phương Đông.
Cũng như biểu tượng Âm-Dương, tôi tin rằng cả hai giá trị có thể tồn tại hài hoà với nhau. Nhưng cũng thật khó để chọn lọc những điều tốt nhất từ cả 2 nền văn hoá.
Thật may mắn là ba mẹ tôi cũng cùng chung quan điểm này. Ví dụ, từ trước tới giờ, họ luôn tiếp nhận những giá trị mang tính hướng ngoại đến từ việc đổi mới đồng thời hết sức tập trung vào nhu cầu của thị trường nội địa bằng việc phát triển thu hẹp và có chiều sâu.
Tập đoàn THP hiện tại xuất khẩu tới hơn 16 quốc gia và đã làm việc với rất nhiều đối tác quốc tế. Nhưng cốt lõi thành công của chúng tôi vẫn đến từ việc xây dựng chiến lược và các chiến dịch nội địa hoá trong Marketing.
Lấy khách hàng làm nền tảng và sự hiểu biết thị trường nội địa là rất quan trọng với chúng tôi, giúp chúng tôi sản xuất ra nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cách tiếp cận này giúp THP khéo léo đối đầu những thách thức cực kỳ khó khăn của nền kinh tế thời hậu chiến và đưa ra những quyết định rõ ràng trên thị trường toàn cầu hoá mang tính cạnh tranh cao hiện nay.
Trong cuốn Vượt lên Người khổng lồ, tôi đã kể đan xen những câu chuyện về tư duy kinh doanh với những khía cạnh rất cá nhân từ chính các câu chuyện trong gia đình mình – nhằm giúp người đọc cũng như cộng đồng doanh nhân hiểu được điều gì là thực sự có thể. Sau tất cả, mọi người ở đây là để học hỏi và phát triển.
Tôi hi vọng quyển sách sẽ khơi cảm hứng cho mọi người để vượt qua những ‘điều không thể’ và đạt được mục tiêu của mình, không quan trọng họ làm việc trong lĩnh vực nào và họ sống ở đâu. Thông điệp, nói một cách ngắn gọn, chính là ‘Đừng từ bỏ’.