Có một điều mà bất kỳ doanh nhân thành công nào cũng có thể chứng thực: việc sáng lập và điều hành một doanh nghiệp thành công không hề đơn giản. Nó đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh, thời gian, lòng can đảm và sự khiêm tốn. Các doanh nghiệp hiếm khi thành công ngay lập tức – và khi họ thành công, sự tiến hoá trở thành một phần không thể thiếu trong tương lai của doanh nghiệp. Vậy, làm sao để khởi nghiệp khi bạn gặp nhiều hạn chế và khó khan đến như vậy?
Tôi thường nghĩ về ba tôi, người đã sáng lập doanh nghiệp men đầu tiên của ông ấy trong những hoàn cảnh không hề lý tưởng và gặp phải sự cản trở từ bên ngoài. Ba đã tiếp tục hoạt động trong ngành này cho đến khi giá men sụp đổ vào năm 1979. Thay vì đóng sập các cánh cửa của mình, ông đã chuyển hướng kinh doanh sang hoạt động chế biến đường và fructose, để rồi cuối cùng dẫn đến hoạt động chưng cất rượu và sau đó là mở nhà máy bia. Sau khi xác định được nhu cầu của người tiêu dùng, ông đã rời khỏi ngành đồ uống có cồn và tập trung vào THP với những đồ uống không cồn, tốt cho sức khoẻ. Ngày nay, doanh nghiệp của ông – Tập đoàn Nước giải khát THP – là nhà sản xuất thuộc sở hữu gia đình lớn nhất ở ngành hàng tiêu dùng nhanh, sở hữu lực lượng lao động hơn 5000 nhân viên trên toàn quốc.
Ông ấy đã không đạt được tất cả mọi thứ trong cùng một lúc – nó đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và cả sự cống hiến không ngừng nghỉ ở các công việc thường nhật. Đạo đức công việc và tầm nhìn cho những thứ mà ba tôi có thể tạo ra một ngày nào đó – cuối cùng đã mang lại một doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với những tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola.
Hãy xem xét những điều bên dưới khi bạn bắt tay vào một liên doanh mới – hoặc đang tiếp tục hành trình với một doanh nghiệp đa thế hệ trong thời điểm mọi thứ đang thử thách bạn:
Tập trung vào những gì bạn làm tốt.
Thi thoảng bạn sẽ dễ dàng tin rằng bạn cần làm nhiều việc hơn cần thiết cho doanh nghiệp của bạn và những gì mà nó cung cấp. Dù rằng việc lắng nghe thị trường cũng như những gì thị trường mong muốn là điều quan trọng, thì một điều cũng quan trọng không kém là việc sắp xếp thứ tự ưu tiên và làm những gì bạn làm tốt. Một bài viết của Business Insider đã đưa ra góc nhìn thú vị về lý do tại sao vài doanh nhân không đạt được thành công, “Những nhà sáng lập startup có tham vọng vô biên. Hầu hết trong số họ có thể ảo tưởng rằng ý tưởng nền tảng của mình có sức hấp dẫn rộng rãi và đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng, với nhiều sản phẩm, và thường xuyên qua được nhiều thị trường. Các nhà đầu tư thích nghe về những nền tảng và những tầm nhìn lớn để đạt được thành công. Kiểu tham vọng như thế có sức lây lan nhưng đồng thời cũng rất nguy hiểm… Hãy lặp lại điều này theo tôi: ‘Các startup hiếm khi làm tốt bất cứ điều gì.’ Tôi tin câu thần chú này là chìa khoá dẫn đến thành công của startup.” Nói cách khác, đừng cầm đèn chạy trước ô tô. Trong kinh doanh, cũng như trong tất cả mọi việc khác, bạn cần phải học bò trước khi học chạy. Những ai đang học nhạc cụ có thể mơ về việc chơi những bản hoà tấu phức tạp; tuy nhiên, trước tiên ai cũng phải bắt đầu với những nguyên tắc cơ bản. Nhiều doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi họ không bắt đầu ở quy mô nhỏ và từ từ xây dựng lên những tầm cao to lớn hơn.
Hãy nhớ những sai lầm có thể dẫn đến thành công.
Điều này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng những sai lầm – nếu bạn học hỏi từ chúng – hoàn toàn là những cơ hội cho thành công trong tương lai. Thất bại khiến hầu hết mọi người sợ hãi – họ thường không muốn rêu rao về những sai lầm của mình, đề phòng trường hợp đối thủ sử dụng những thông tin đó để chống lại họ. Tuy nhiên, thất bại ở quanh chúng ta, và không có lý do gì để sợ hãi chúng. Sai lầm là thứ cần trân trọng và chúng ta phải cố gắng học hỏi từ chúng. Tìm cách biện minh thì lúc nào cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với việc trân quý những thất bại và sai lầm – với thái độ nhiệt tình như khi giành được chiến thắng và ca khúc khải hoàn. Những sai lầm của chúng ta, hay có thể gọi là “những thời điểm sa cơ thất thế”, đại diện cho những cơ hội tăng trưởng và thành công trong tương lai.
Giữ vững các giá trị của bạn.
Bất kể những khó khăn ngày càng gia tăng mà bạn phải đối mặt trong việc kinh doanh, các công ty phát triển được một tập hợp các giá trị cốt lõi và tuân thủ chúng luôn có thể điều chỉnh thành công và từng bước một đạt được mục tiêu của họ trên hành trình. Khi các giá trị kể trên được dệt vào trong cơ cấu kinh doanh của bạn và ảnh hưởng đến cách mà bạn – cũng như các nhân viên của bạn – xử lý việc kinh doanh thường nhật, bạn sẽ luôn là người chiến thắng sau cùng.
Với vị thế của ngày hôm nay, thật khó để hình dung ra THP ở những ngày đầu khởi nghiệp với kinh nghiệm còn hạn chế – chỉ là một công ty men nhỏ mà thôi. Mọi việc đã từng vô cùng vất vả, nhưng ba mẹ tôi đã luôn tập trung qua từng giai đoạn và sự tiến hoá của doanh nghiệp. Họ đã đón nhận mọi thất bại như thể chúng là cơ hội để tiến xa hơn nữa về phía trước. Họ không sợ thất bại hoặc các thời điểm sa cơ thất thế; thay vào đó, họ chủ động nắm lấy những thất bại ấy, và nhận thức được rằng mỗi trải nghiệm sẽ mang đến những bài học quý giá, những cơ hội lớn hơn để đạt được thành công trong tương lai.
Trần Uyên Phương là một diễn giả, Phó Tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát (THP), nhà cố vấn, và là tác giả của cuốn sách Vượt lên Người khổng lồ: Cách một công ty gia đình đối đầu với các tập đoàn đa quốc gia, giữ vững bản chất nội địa, và giành chiến thắng.
Theo Forbes