Cân bằng các khía cạnh nhạy cảm và phức tạp của việc điều hành một doanh nghiệp gia đình là vấn đề vô cùng nan giải. Một vài doanh nghiệp xem việc kỳ vọng các thành viên gia đình tham gia vào những chức năng khác nhau là điều hiển nhiên, trong khi người ngoài có thể nhìn nhận rằng trong doanh nghiệp đang tồn tại một mức độ gia đình trị nhất định. Điều đó có thể kéo theo một bộ phận cố gắng khởi tạo, phát triển và duy trì doanh nghiệp với mong muốn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia đình thành công nhận ra sự cần thiết của việc giữ cho các thành viên gia đình tinh thần trách nhiệm tương đồng như bất kỳ ai khác.
Có một kỳ vọng nhất định về lòng trung thành – đi đôi với câu chuyện làm việc cùng nhau với tư cách gia đình, tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm và tính hiệu quả cũng quan trọng không kém trong việc duy trì sự cân bằng tinh tế đó. Doanh nghiệp gia đình của chúng tôi đã được thử thách vấn đề này khi em trai Dũng của tôi dấn thân vào kinh doanh phân phối sau khi rời khỏi vị trí giám đốc bán hàng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của THP.
Em ấy đã làm như thế mà không cần vốn từ ba tôi. Em thức dậy mỗi ngày vào lúc bốn giờ sáng để tự mình mở kho, bên tai là những lời cảnh báo của ba về 95% các doanh nghiệp thất bại. Hầu như em không về nhà cho đến lúc đã quá nửa đêm.
Việc kinh doanh của em ấy đã khởi đầu tốt đẹp, và em nhanh chóng trở thành nhà phân phối lớn nhất của THP, tạo ra biên lợi nhuận lớn. Việc kinh doanh của em đã tăng trưởng rất nhanh và em nắm quyền quản lý hàng trăm nhân viên cùng hàng chục xe tải. Bản thân điều đó không phải là vấn đề. Vấn đề là sự thiếu hụt các hệ thống kiểm soát mà em ấy đáng lẽ phải chuẩn bị để quản lý sự tăng trưởng kể trên. Chẳng mấy chốc, ba tôi đã nhận được nhiều lời phàn nàn từ những nhà phân phối khác. Họ bảo rằng nhân viên của em Dũng đang bán phá giá sản phẩm trên thị trường.
Em Dũng đã bị cảnh cáo nhiều lần, và những vấn đề ấy đã biến thành khủng hoảng khi một nhóm các nhà phân phối cung cấp bằng chứng cụ thể, đe doạ sẽ kiện. Ba tôi biết rằng ba phải đối xử công bằng với mọi nhà phân phối và nếu ba cho phép doanh nghiệp của em Dũng tiếp tục phá vỡ các quy tắc, những người khác cũng sẽ phá luật.
Em Dũng đã thừa nhận những sai lầm và đồng ý giải thể công ty của mình. Em không cầu xin một cơ hội khác; em biết bản thân phải trả giá vì đã mất kiểm soát. Tất cả chúng tôi khâm phục em ấy vì đã chấp nhận thất bại của chính mình, và ngày nay em Dũng đang điều hành một doanh nghiệp collagen thành công.
Là những thành viên gia đình cùng nhau làm việc, chúng tôi không thể tránh khỏi mức độ kỳ vọng cao nhất khi đề cập đến những đóng góp và việc hoàn thành sứ mệnh của mình bên trong tổ chức. Những doanh nghiệp gia đình đề ra được các kỳ vọng rõ ràng là những doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tìm hiểu thêm về cách thức chuẩn bị và kiểm soát sự tăng trưởng bằng cách đọc cuốn sách của tôi ngay hôm nay.
Theo phuonguyentran