Đón nhận những thành công và, quan trọng hơn, các thất bại của bạn
BÀI ĐƯỢC VIẾT BỞI : Trần Uyên Phương
Trần Uyên Phương là một diễn giả, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP), một nhà tư vấn và đồng thời là tác giả cuốn sách Vượt lên Người khổng lồ.
Đón nhận những thành công và, quan trọng hơn, các thất bại của bạn. Chúng trái ngược nhau, nhưng nhìn chung bạn không thể có chỉ một trong hai được. Mối quan hệ cộng sinh giữa các trải nghiệm có vẻ như đối nghịch này là cần thiết và chắc chắn phải tồn tại – như mặt trời phải lặn trước khi nó lại toả ánh bình minh. Winston Churchill đã từng nói: “Thành công chứa đựng việc đi qua nhiều thất bại mà không mất đi nhiệt huyết trong mình.”
Thành công và thất bại trộn lẫn với nhau trong cuộc sống, và chỉ những ai đón nhận thất bại mới trải nghiệm được trái ngọt của thành công – nhất là trong việc kinh doanh. Lãnh đạo đích thực nghĩa là gánh vác trách nhiệm khi thất bại cũng như lúc thành công. Chỉ khi nào một cá nhân chấp nhận không có ai khác để đổ lỗi ngoài chính bản thân, thì chỉ khi ấy người đó mới có thể phát triển một kế hoạch để thành công. Đó là một sự thật khắc nghiệt. Nhưng gánh vác quyền làm chủ có nghĩa là chấp nhận: bạn là căn nguyên của vấn đề. Thứ duy nhất bạn có thể thay đổi hoặc kiểm soát là chính bản thân bạn. Do đó, nếu có khó khăn, hãy đón nhận nó. Đừng đổ lỗi cho một ai khác. Hãy tự tin rằng bằng cách thay đổi bản thân, bạn cũng có thể thay đổi môi trường xung quanh mình. Các nhà lãnh đạo làm được điều này có xu hướng truyền cảm hứng nhiều hơn để tạo ra lòng trung thành và sự tín nhiệm cần thiết, giúp doanh nghiệp của họ gặt hái được thành công.
Tại THP, chúng tôi cố gắng trao quyền cho tất cả các thành viên đội ngũ như thể họ là những chủ sở hữu của doanh nghiệp – để đảm nhận trách nhiệm cho những thành công và sai lầm của bản thân, cũng như để giữ gìn phẩm chất trung thực và sự chính trực của họ. Nếu họ sống đúng với những gì bản thân tin tưởng và cởi mở về những gì làm được hoặc không làm được, họ có thể nhận diện chính xác các vấn đề, thúc đẩy các kết quả và cải thiện hiệu suất.
Những công ty nào sở hữu văn hoá thấu hiểu và đón nhận thất bại cũng là những công ty cho phép các nhân viên đổi mới và thay đổi thế giới. Google là một trong những công ty như thế, nơi các nhân viên được khuyến khích mơ lớn, trình bày những ý tưởng dường như bất khả thi, và “giết” những khái niệm đơn giản là không hiệu quả – kể cả khi chúng đã được đầu tư trong suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Astro Teller, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển “đột phá” (“moonshot” R&D) của Alphabet (công ty mẹ của Google) – hay còn gọi là bộ phận X – đã có một bài diễn thuyết TED talk vô cùng thú vị về chính chủ đề này, thảo luận về cách họ đã tạo ra một văn hoá tưởng thưởng cho thất bại. Trong bài diễn thuyết ấy, ông đã nói: “Mọi người lo lắng: ‘Điều gì sẽ xảy ra với tôi nếu tôi thất bại? Mọi người sẽ cười vào mặt tôi ư? Tôi có bị sa thải không?’ Cách duy nhất để mọi người thực hiện những điều to lớn, mạo hiểm… những ý tưởng táo bạo, và trước hết để họ chạy qua những phần khó nhất của vấn đề – là bạn làm cho con đường của họ ít bị cản trở nhất… Chúng tôi làm việc chăm chỉ tại X để đảm bảo thất bại cũng chẳng sao cả… Họ được thưởng vì điều đó.”
Khi một người học được cách không chỉ gánh vác trách nhiệm cho những thất bại của họ, mà dùng những thất bại ấy cho các cơ hội tương lai, thì thành công to lớn sẽ thuộc về họ. Đọc thêm những quan điểm của tôi về thất bại trong một bài blog trước đây: Tầm quan trọng của thất bại
Theo dõi tôi trên Twitter hoặc LinkedIn.