Việt Nam đã chạm đến được một điểm ngọt ngào trong nhân khẩu học: 50% dân số dưới 34 tuổi. Lực lượng này đại diện cho sự chuyển dịch của thế hệ Y, một thế hệ chịu sự ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội, là những người có quyền truy cập đến bất cứ mọi thứ đang xảy ra khắp toàn cầu. Tất nhiên, đây cũng là câu chuyện chung của thế hệ này ở mọi châu lục trên toàn thế giới. Và làm sao để trở thành một nhà quản lý giỏi, nắm bắt được xu hướng và tiếp cận các nhu cầu của thời đại?
So sánh với những người tiền nhiệm, thế hệ này là độc nhất xét trên mọi khía cạnh. Sở hữu tầm với và quyền truy cập to lớn hơn, thế hệ Y cảm thấy được trao quyền và độc lập trong suy nghĩ. Họ có nhiều lựa chọn hơn và nhận thức được những gì mà mọi người xung quanh có, cũng như những gì họ đang thực hiện.
Làn sóng người tiêu dùng mới này đã tạo ra một chân trời mới cho các nhà tiếp thị và những doanh nghiệp muốn thu hút lòng trung thành của khách hàng – điều trở nên khó khăn hơn bao giờ hết bởi sự tiếp cận dễ dàng của khách hàng đến việc nghiên cứu và so sánh dựa trên giá, bình luận và danh tiếng của nhãn hàng.
Dẫu việc tiếp cận với khách hàng đã dễ dàng hơn nhiều, làm thế nào để duy trì một thông điệp xác thực nhưng cạnh tranh và hấp dẫn cũng trở nên khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp đã phải xem xét lại cách thức tiếp cận marketing truyền thống 4P: product (sản phẩm), price (giá cả), promotion (quảng bá) và place (địa điểm). Rất nhiều thay đổi đã diễn ra trong thị trường hiện tại và thế hệ Y đã biến đổi từng chữ P kể trên dựa vào khả năng tiếp cận công nghệ của họ. Hãy xem xét từng chữ P đã khác biệt như thế nào ở thời điểm hiện tại:
Product (sản phẩm) – Sản phẩm là bất cứ thứ gì làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Bản chất đó của sản phẩm vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, những gì cấu thành nên một sản phẩm thành công thì lại thay đổi. Các sản phẩm thành công sở hữu sự khác biệt so với những đối thủ cạnh tranh của họ trong các thị trường mục tiêu cụ thể. Trong một thế giới chịu ảnh hưởng của những bài đánh giá theo thời gian thực và các nhân vật ảnh hưởng trên truyền thông mạng xã hội, việc trình diện sản phẩm của bạn trước thị trường mục tiêu mà không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến trước đó có thể là điều khó khăn.
Price (giá cả) – Khi đặt giá cho bất kỳ sản phẩm nào, các công ty cũng cần phải giữ gìn sự kết nối sâu sắc với giá trị mà khách hàng gắn với sản phẩm đó, hay còn được gọi là hệ số giá trên giá trị. Trong bối cảnh ngày nay, giá trị ấy có thể giống như một mục tiêu di động – khi việc khớp giá và tìm đến lựa chọn chi phí thấp nhất là những yếu tố làm nên thành công của các doanh nghiệp trực tuyến như Amazon, cũng như các tập đoàn đa quốc gia khác hiện diện trên toàn cầu. Những doanh nghiệp thành công ở thời điểm hiện tại cũng thực hiện những gì mà các doanh nghiệp thành công trong quá khứ đã làm được: họ dành thời gian và nguồn lực cần thiết để thực sự thấu hiểu thị trường mục tiêu và những gì họ thực sự coi trọng – là những điều có thể không phải lúc nào cũng định giá được.
Promotion (quảng bá) – Quảng bá bao gồm tất cả các phương pháp thuyết phục mà một nhà tiếp thị sẽ sử dụng để thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm. Nó bao gồm các yếu tố như quảng cáo, quan hệ công chúng và chương trình khuyến mãi. Ngày nay, truyền thông mạng xã hội chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong ngân sách quảng bá của bất cứ công ty nào, đặc biệt với những công ty nhắm mục tiêu vào thế hệ Y (sinh sau năm 1980) và thế hệ Z (sinh sau năm 1995). Có một điều phải thừa nhận là: mỗi thị trường sẽ khác nhau dựa trên các chuẩn mực văn hoá và những gì các cá nhân được quyền truy cập; tuy nhiên, sự tồn tại của internet và sự phổ biến của điện thoại di động đã tác động mạnh mẽ đến chữ P đặc biệt này.
Place (địa điểm) – Tạo ra một sản phẩm thành công là câu chuyện xoay quanh việc thấu hiểu địa điểm xuất xứ của sản phẩm hoặc nơi mà sản phẩm được bán ra. Sự có sẵn của hàng hoá là một trong những yếu tố thành công then chốt. Địa điểm, theo định nghĩa truyền thống, là việc cung cấp một sản phẩm ở một nơi thuận tiện cho người tiêu dùng ghé qua. Trong quá khứ, điều này có nghĩa là một cửa hàng hoặc đại lý vật lý, nhưng xu hướng hiện nay lại là dịch chuyển lên môi trường trực tuyến hoặc thế giới ảo.
Thế hệ Y là một lực lượng nhiều sức mạnh – chủ nghĩa tiêu dùng và việc kinh doanh đang phải tuân theo luật chơi của họ cùng những tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật. Tìm hiểu thêm về cách thức điều hướng vấn đề này một cách thành công bằng cách đọc cuốn sách của tôi – “Vượt lên Người khổng lồ” – ngay hôm nay.
Theo Phương Uyên Trần