Toàn cầu hoá tồn tại những mặt hạn chế, nhưng chắc chắn nó đã thúc đẩy Việt Nam đến vị thế như ngày hôm nay. Hà Nội, Hồ Chí Minh (hoặc Sài Gòn như chúng tôi vẫn thường gọi), cùng Đà Nẵng là những thành phố có sự phát triển rõ nét nhất. Tôi sinh sống ở Sài Gòn, nơi đã bùng nổ thành một thành phố đạt đẳng cấp quốc tế. Dọc khắp những con phố nơi đây là các cửa hàng bán hàng hoá xa xỉ, đắt tiền và những con đường thì nhộn nhịp với đầy ắp xe máy cùng các thương hiệu xe hơi sang trọng.
Việt Nam đã đạt đến giai đoạn phát triển quan trọng, khi một quốc gia thực hiện quá trình chuyển đổi một lần trong đời – từ nghèo khó sang thịnh vượng. Hành trình đạt đến sự thịnh vượng đã kéo dài và lắm gian nan, nhưng giờ đây người Việt cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Trên thực tế, Nielsen đã ghi nhận rằng người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách những người tiêu dùng tự tin nhất thế giới. Trung tâm nghiên cứu Pew cũng đã phát hiện ra: xét về niềm tin rằng quốc gia của mình đã tốt đẹp hơn 50 năm về trước, người Việt đứng đầu thế giới. Khoảng 88% số người khảo sát đã trả lời “Có” – so với con số 69% của người Ấn đứng ở vị trí thứ 2.
Rơi xuống đáy
Người ta định nghĩa Việt Nam bằng cuộc chiến tranh giành độc lập và bản sắc văn hoá riêng biệt. Chính sự quyết tâm tự chủ đã lý giải vì sao chỉ đến bây giờ việt Nam mới đang thực hiện sự thay đổi chấn động trong phát triển kinh tế – chậm hơn một vài thập niên so với những người anh em Đông Á. Nhiều người biết đến quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp của Việt Nam sau thế chiến thứ hai, và những gì xảy ra tiếp đó đại diện cho một trong những bi kịch to lớn của thế kỷ 20.
Chiến tranh Việt Nam đã khiến đất nước chúng ta bị huỷ hoại về vật chất và kinh tế. Hầu hết các cơ sở hạ tầng đường sắt, cầu, đường và kênh đào đã bị phá huỷ. Hàng trăm người dân vô tội đã chết vì bom mìn chưa nổ – nhiều quả nằm ẩn dưới mặt nước trên những cánh đồng lúa. Hàng triệu hecta rừng đã bị tàn phá bởi chất độc màu da cam. Hơn một nửa số làng xã của đất nước đã bị càn quét. Chiến tranh đã tạo ra hơn 10 triệu người tị nạn nội địa, 1 triệu goá phụ chiến tranh, hơn 750 ngàn trẻ mồ côi, 350 ngàn thương binh, và khiến cho 3 triệu người thất nghiệp.
Dù có nói rằng nền kinh tế đã bị chấn động mạnh thì đó vẫn là một cách nói giảm nói tránh. Bản thân Ngày Giải phóng được xem là lễ kỷ niệm trọng đại của nhiều người, nhưng thống nhất về chính trị đã đi kèm với sự hỗn loạn và tang thương về mặt kinh tế. Không một nền kinh tế nào có thể trở nên thịnh vượng trong những điều kiện như thế. Trên thực tế, Việt Nam hầu như khó có thể tồn tại.
Tái thiết, tốt hơn thời điểm trước đó
Nhưng Việt Nam đã làm được. Với sự trở lại của nền kinh tế thị trường, chính phủ Việt Nam đã đưa ra một chương trình cải cách mang tên Đổi Mới – với định nghĩa là “một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Đó là một dấu mốc then chốt cho đất nước chúng tôi. Một loạt các đề xướng không chỉ chính thức cho phép các doanh nghiệp tư nhân trở lại, mà còn trao cho họ những tín hiệu ban đầu của một bộ khung pháp lý, để việc kinh doanh phát triển trở lại.
Bên cạnh đó, các căng thẳng về mặt chính trị cũng bắt đầu hạ nhiệt; Hoa Kỳ cuối cùng đã chấm dứt lệnh cấm vận thương mại từng kìm hãm nền kinh tế Việt Nam suốt hàng thập kỷ. Với những thay đổi này, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nhà đầu tư tư nhân đã bắt đầu xem Việt Nam là điểm đến xứng đáng để đầu tư. Nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trung bình 8% một năm. Chẳng mấy chốc, Việt Nam lại trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một miền đất hứa cho các tập đoàn đa quốc gia, họ kỳ vọng sẽ bán được sản phẩm tại đây. Việt Nam cũng trở thành một địa điểm sản xuất thu hút, đặt trong bối cảnh chi phí nhân công của Trung Quốc cao hơn nhiều so với nước ta. Nhiều doanh nghiệp cũng cảm thấy Việt Nam là một quốc gia ổn định để đặt cơ sở hoạt động về mặt dài hạn. Sự khác biệt trong vòng 50 năm qua của Việt Nam thực sự chóng mặt và có thể nhìn thấy rõ qua tình hình tài chính của người Việt. Năm 1975, 70% người Việt sống dưới mức nghèo khổ được công bố. Đến năm 2017, con số này chỉ còn dưới 7%.
Việt Nam hiện đang có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ nhất từ trước đến nay, với một tương lai hứa hẹn sẽ tiếp tục thịnh vượng. THP thành lập vào năm 1994, khi các doanh nghiệp tư nhân trở nên hợp pháp, và mới đây công ty vừa tổ chức lễ khai trương nhà máy thứ 4. THP đã đầu tư 173 triệu USD vào nhà máy mới nhất của mình, sở hữu công nghệ vô trùng aseptic hiện đại nhất trong khu vực. Nhà máy này có thể sản xuất 48 ngàn chai mỗi giờ và sẵn sàng thâm nhập thị trường quốc tế. Tìm hiểu thêm về cách thức phát triển của những doanh nghiệp Việt như THP trong quá trình chuyển đổi để trở thành lực lượng dẫn đầu trong ngành nghề tương ứng của mình – bằng cách truy cập trang web của tôi.
Theo Forbes Books