Nhiều doanh nghiệp của chúng ta có thể được quy về một hoặc hai cá nhân sáng lập. Tuy nhiên, khi các liên doanh này phát triển, có thể sẽ có nhiều thành viên gia đình tham gia vào việc kinh doanh hơn – nhằm giúp hoàn thành sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Đi kèm với sự tăng trưởng nói trên là những thách thức tất yếu và niềm đau tăng trưởng, khi các tiến trình ban đầu cần mở rộng và thích nghi. Tôi đã học được một điều từ trải nghiệm của chính bản thân – nhờ việc quan sát ba mẹ mình phát triển THP – rằng các doanh nghiệp gia đình có thể thành công, nhưng đôi khi không thể thành công mà không tranh đấu. Một trong những câu nói yêu thích của ba tôi về vấn đề này là; “Khi thuyền giăng buồm ra khơi, có thể nó sẽ phải đối đầu với bão tố. Thách thức chính là học cách điều khiển con thuyền khi bão tố ập đến.”
Bão tố sẽ xuất hiện khi bạn phát triển bất cứ doanh nghiệp nào, đặc biệt nếu đó là doanh nghiệp gia đình. Tuy vậy, những cơn bão ấy có thể được điều hướng thành công bằng cách thấu hiểu các nguyên tắc dưới đây:
Giữ gìn việc giao tiếp hiệu quả. Trong bất cứ tình huống nào, giao tiếp vẫn là vấn đề thiết yếu. Nhưng nếu bạn có đời sống cá nhân và kinh doanh chồng chéo lên nhau, việc chú trọng vào giao tiếp hiệu quả là vô cùng quan trọng. Sự minh bạch và giao tiếp tốt hơn trao quyền cho mọi cá nhân tham gia vào việc kinh doanh – đặc biệt là các thành viên trong gia đình – nhằm luyện tập việc đưa ra quyết định tốt hơn và nắm quyền sở hữu đối với phần việc của họ trong quy trình. Một sự thấu hiểu chung về các kỳ vọng sẽ cho phép mọi người thống nhất về mục đích, các mục tiêu và nhiệm vụ. Những doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt khi tồn tại sự giao tiếp tốt giữa các thành viên khác nhau trong gia đình và qua các thế hệ.
Lắng nghe lẫn nhau. Một phần không thể thiếu trong việc giao tiếp là lắng nghe. Một gia đình phải học cách lắng nghe lẫn nhau trọn vẹn và rộng lượng. Điều này sẽ giúp mang đến cho những người khác không gian bày tỏ quan điểm mà không bị xen ngang hoặc nơm nớp đề phòng bị bắt bẻ. Khi gia đình lắng nghe lẫn nhau, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi những định kiến về chuyện chúng ta là ai và có thể làm được gì – nó mang lại cho mỗi cá nhân không gian để bộc lộ bản thân một cách tốt nhất.
Đặt ra và tuân thủ các ranh giới. Khi các thành viên của gia đình tham gia vào việc kinh doanh, điều quan trọng là các ranh giới phải được tạo ra cả bên trong và bên ngoài môi trường làm việc. Trên thực tế, những nguy cơ tiềm ẩn cho việc phá vỡ ranh giới, xung đột hôn nhân hoặc xung đột thế hệ là vô hạn. Khi THP mới được thành lập, chúng tôi đã không đặt ra bất cứ ranh giới nào – chúng tôi đã thực sự sống trong nhà máy. Văn phòng ba tôi cũng đã từng là phòng khách của gia đình chúng tôi. Qua nhiều năm, dịch vụ hậu cần cũng đã thay đổi, nhưng dù có thay đổi chỗ ở, điều quan trọng vẫn là nhìn nhận được những ranh giới trong môi trường làm việc. Ví dụ như là: ở nơi làm việc, tôi cần tôn trọng ba vì ba là sếp của tôi, nhưng ba cũng cần phải tôn trọng ý kiến chuyên môn của tôi – kể cả khi ý kiến đó khác với ý kiến của ba. Ba nói chuyện với tôi như đang nói chuyện với một đồng nghiệp và giám sát viên có giá trị, không phải với tư cách người ba nói chuyện với con gái.
Trước tiên, hãy là một gia đình. Các mối quan hệ gia đình của bạn vẫn là điều quan trọng nhất. Bạn nhất định phải làm những việc cần thiết để giữ các mối quan hệ đó nguyên vẹn và vững bền. Giống như ở công ty, gia đình chúng tôi cũng có tuyên bố sứ mệnh riêng và một tập hợp các giá trị cốt lõi. Chúng tôi thường xuyên xem xét lại các giá trị ấy, thảo luận về chúng ở các buổi họp gia đình và rồi tinh chỉnh chúng. Chúng tôi nhất trí tuân thủ những giá trị kể trên. Chúng tôi đã lập ra một danh sách liệt kê những điều cần phải có. Chúng đã gắn kết chúng tôi với nhau ở thời điểm các thành viên có dấu hiệu tách rời. Chúng đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau và làm cho đời sống công việc của chúng tôi đơn giản hơn rất nhiều.
Sẽ có những thách thức đặt ra khi làm việc với tư cách một gia đình, nhưng những lợi ích khi đạt được thành công thì vượt xa những thách thức ấy. Tìm hiểu thêm về cách chúng tôi trở thành doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam bằng cách đặt mua cuốn sách Vượt lên Người khổng lồ cho riêng bạn.
Trần Uyên Phương là một diễn giả, Phó Tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát (THP), nhà tư vấn, và là tác giả của cuốn sách Vượt lên Người khổng lồ: Cách một công ty gia đình cạnh tranh và chiến thắng các tập đoàn đa quốc gia.
Theo Forbes