Toàn cầu hoá đã làm thay đổi việc kinh doanh như chúng ta từng biết trước đó. Chính hiện tượng toàn cầu hoá đã làm xuất hiện “tập đoàn đa quốc gia” – những công ty sở hữu tầm với dường như có thể thu mua mọi tấc đất trên thế giới. Dù rằng nhiều công ty trong số đó được thành lập với cách tiếp cận kinh doanh theo kiểu phương Tây, các tập đoàn châu Á lại đang trỗi dậy, buộc những tập đoàn đa quốc gia kiểu phương Tây phải tạo ra các chiến lược mới khi chúng xuất hiện ở các quốc gia và nền văn hoá Á châu.
Khi sức mạnh của châu Á trỗi dậy trên trường quốc tế, có một câu hỏi ngày càng lớn dần lên trong tâm thức của các chính phủ ở những quốc gia này: liệu việc mặc nhiên cho những tập đoàn đa quốc gia phương Tây cửa ngõ miễn phí vào các thị trường châu Á có phải là ý tưởng tốt? Tại sao lại để những công ty đó thâm nhập vào một quốc gia và vét sạch những châu báu vương miện của quốc gia đó? Tại sao lại để quốc gia mình trở thành một phần chuỗi cung ứng toàn cầu của một ai đó khác?
Thay vào đó, nhiều chính phủ ở châu Á đang tích cực tìm cách thúc đẩy các nhà vô địch nội địa của riêng họ. Những nhà vô địch này, được xây dựng dựa trên quan điểm truyền thống Á châu, đã đạt đến quy mô đủ lớn để mở rộng ra nước ngoài và thúc đẩy mối quan hệ đối tác với các công ty khác trong khu vực. Kết quả thu được là gì? Sự ra đời của một kiểu tập đoàn đa quốc gia mới: tập đoàn đa quốc gia châu Á.
Theo truyền thống mà nói, các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập vào những quốc gia châu Á vốn đã lớn mạnh từ phương Tây; tuy vậy, sự trỗi dậy của châu Á chắc chắn sẽ có tác động đến chuyện những công ty nào đang chiếm lĩnh thị phần và làm cách nào để họ thực hiện được điều đó. THP, doanh nghiệp gia đình của tôi, là một ví dụ hoàn hảo cho câu chuyện kể trên. Khi Coca-Cola tiếp cận THP trong nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam và các khu vực lân cận, THP cuối cùng đã chọn không hợp tác với người khổng lồ nước ngọt ấy – và thay vào đó tiếp tục cạnh tranh thành công bằng việc cung cấp các sản phẩm được tùy chỉnh phù hợp với thị hiếu của thị trường mình.
Điều đã giúp thúc đẩy thành công không ngừng của THP trong những năm vừa qua là một góc nhìn thân mật và chú trọng vào khách hàng của doanh nghiệp, cũng như một sự thấu hiểu các giá trị văn hoá của chúng tôi. Nhiều công ty châu Á sở hữu nền tảng tương tự THP, và do đó họ suy nghĩ về các hoạt động kinh doanh của mình theo một cách thức khác biệt so với những tập đoàn đa quốc gia phương Tây – dẫn đến sự trỗi dậy và thành công mà chúng ta chứng kiến ở thời điểm hiện tại.
Giống như THP, tập đoàn đa quốc gia châu Á được xây dựng dựa trên các mối quan hệ gia đình với trọng tâm là sự tôn trọng đối với những người đi trước và sự thừa nhận dành cho những thế hệ mai sau. Những doanh nghiệp gia đình như thế mang trong mình lòng kiêu hãnh và cả khát vọng thành công, bên cạnh việc thấu hiểu tầm quan trọng của những mối quan hệ trong và ngoài tổ chức. Những tập đoàn đa quốc gia châu Á này cũng đang quan tâm đến việc tiếp cận các thị trường ngoại quốc. Tuy nhiên, không giống như các doanh nghiệp phương Tây, các tập đoàn đa quốc gia châu Á khao khát nuôi dưỡng một mối quan hệ liên doanh dài hạn, chứ không đơn thuần là tiếp quản.
Văn hoá phương Tây sẽ luôn tạo ra những tập đoàn mạnh mẽ, vươn xa khắp thế giới. Điều đó nói lên rằng: khi châu Á trở nên giàu có hơn và các công ty của họ gây dựng được hoả lực tài chính mạnh mẽ hơn, bối cảnh kinh doanh cạnh tranh sẽ tiếp tục mở rộng và liên quan đến ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia châu Á.
Tìm hiểu thêm về cách xây dựng một công ty đa quốc gia châu Á có sức cạnh tranh bằng cách xem cuốn sách của tôi ngay hôm nay.
Theo Forbes Books