Toàn cầu hoá thúc đẩy các doanh nghiệp đa quốc gia như Coca-Cola, McDonald’s, Starbucks… trên toàn thế giới trở nên quyền lực. Trường hợp này đặc biệt đúng ở các thị trường biên và mới nổi, nhiều doanh nghiệp mới đây trở thành các doanh nghiệp lãnh đạo thị trường quốc gia và còn đang tự hỏi làm thế nào họ có thể dè chừng những người khổng lồ toàn cầu – các công ty có thể bất ngờ dành sự quan tâm đến quốc gia của họ.
Dù rằng toàn cầu hoá về cốt lõi là làm thế giới “phẳng” đi, giúp các sản phẩm, dịch vụ, những quan hệ đối tác cung ứng, văn hoá… trở nên dễ tiếp cận hơn dù bạn ở bất cứ đâu – thì vẫn tồn tại những sự khác biệt đáng kể giữa các nền văn hoá – đặc biệt giữa phương Đông và phương Tây. Với việc châu Á đang trỗi dậy để trở thành một khu vực kinh tế lớn mạnh, các tập đoàn đa quốc gia phương Tây bị buộc phải đưa ra các chiến lược mới để điều hướng phát triển vào những thị trường này. Vậy đâu là những bí quyết kinh doanh tại Châu Á, giúp các doanh nghiệp thành công?
Phương đông và phương Tây
Đặc điểm cốt lõi khiến phương Đông khác biệt so với phương Tây cũng là những gì mà tôi đã chỉ ra ở các bài viết trước. Dù rằng nhiều nguyên tắc tôi nhắc đến cũng quan trọng đối với các doanh nghiệp phương Tây, thì vẫn có những sắc thái văn hoá Á châu khiến cách tiếp cận kinh doanh tại đây trở nên khác biệt.
Hãy suy nghĩ cách thức chúng ta tiếp cận môi trường làm việc của mình. Ở phương Tây, người ta nhấn mạnh vào “làm việc nhóm.” Thế nhưng đó dường như là khái niệm lạ lẫm ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Không phải chúng ta không cố gắng đạt được thành quả tương tự, nhưng nó được thể hiện và hiểu theo một cách hoàn toàn khác biệt.
Giá trị cốt lõi “làm chủ công việc của bạn” nghĩa là chú trọng vào những cá nhân gánh vác trách nhiệm cho công việc cũng như những đóng góp của bản thân mình. Đối với văn hoá Á châu, dễ dàng hiểu được rằng thành công hay thất bại là do nỗ lực của mỗi cá nhân – không phải là do các yếu tố bên ngoài. Có hai lý do chính khiến khái niệm “làm việc nhóm” của phương Tây trở nên khó áp dụng ở các doanh nghiệp châu Á:
- Thứ nhất, người Việt thấy đặc biệt khó khăn khi làm việc nhóm, vì chúng ta là những cá nhân quá tự lực. Lịch sử đã làm nên tính cách ấy. Nếu đặt quá nhiều niềm tin và tín nhiệm vào những người khác, bạn sẽ bị họ chế ngự. Mặt tích cực của sự tự lực này là khiến người Việt trở thành những người rất có tinh thần kinh doanh. Hầu hết mọi người đều có việc làm toàn thời gian và doanh nghiệp nhỏ của riêng họ. Bước xuống đường và bạn sẽ thấy gần như nhà nào cũng sẽ trở thành doanh nghiệp nhỏ hoặc tương tự như thế.
- Thứ hai, người Châu Á vốn nổi tiếng là những người không muốn bị mất mặt – kèm theo đó là sự gắn kết của họ với địa vị xã hội. Mọi người cần phải hiểu được vị thế của ai đó nằm ở đâu. Trong thế giới doanh nghiệp, điều này thể hiện ra như một khát khao nhận lại sự tôn trọng từ những người cấp dưới và bày tỏ sự kính trọng với những người ở cấp cao hơn. Thái độ kể trên cũng tồn tại ở Việt Nam, dù rằng nó không ăn sâu mạnh mẽ vào gốc rễ như trong các nền văn hoá Nhật Bản, Hàn Quốc, và ở một mức độ mở rộng ít hơn là Trung Quốc.
Đây chỉ là ví dụ của một nguyên tắc nền tảng nói lên sự khác biệt khá rõ rệt giữa nền văn hoá phương Tây và phương Đông. Chính điều này và những sự khác biệt khác đã làm nên cốt lõi của các doanh nghiệp Châu Á thành công.