Sáng lập, xây dựng và duy trì doanh nghiệp là một công việc khó khăn. Thậm chí còn khó khăn hơn khi doanh nghiệp đó được sáng lập, xây dựng và duy trì bởi một gia đình. Giao tiếp hiệu quả là yếu tố trọng tâm giúp đi đến thành công của các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình, những doanh nghiệp có khả năng duy trì qua nhiều thành viên ở các thế hệ khác nhau.
Thật không dễ để thiết lập giao tiếp thành công giữa các thành viên trong gia đình; trên thực tế, nó có thể là nguyên nhân hàng đầu gây bất hòa và thất bại cho nhiều doanh nghiệp gia đình. Tôi muốn chia sẻ một vài cách thức mà gia tộc họ Trần dùng để duy trì việc giao tiếp hiệu quả, cũng chính điều này đã góp phần vào thành công bền vững của chúng tôi ngày hôm nay.
Thiết lập và tôn trọng các ranh giới
Khi doanh nghiệp gia đình của chúng tôi mới thành lập, không có ranh giới nào tồn tại cả. Chúng tôi thực sự sống ở nhà máy. Văn phòng của ba tôi chính là phòng khách của gia đình. Những ngày này chúng tôi sống trong một căn hộ phía trên nhà máy và cố gắng ăn cùng nhau hai lần một ngày. Đó cũng là khoảng thời gian chúng tôi dành để trao đổi thông tin và ý tưởng. Không ai cố gắng tích trữ thông tin. Điều đó giúp giữ cho luồng giao tiếp của chúng tôi luôn cởi mở và duy trì mạnh mẽ.
Nhưng khi đi làm, chúng tôi chỉ nhắc đến nhau với tư cách là Dr. Thanh, cô Nụ, cô Bích và cô Phương. Đó là cách chúng tôi cố gắng duy trì tốt các ranh giới và thể hiện rõ điều đó với các đồng nghiệp trong công ty. Ví dụ, ở nơi làm việc, tôi cần tôn trọng ba với tư cách là ông chủ của tôi – nhưng ông cũng cần tôn trọng ý kiến chuyên môn của tôi ngay cả khi nó khác với ông. Ông ấy nói chuyện với tôi như với một đồng nghiệp có giá trị trong công ty, không phải theo cách một người ba nói chuyện với con gái.
Truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
Các doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ để thành công luôn thực hiện các bước rất cụ thể để truyền tải các giá trị gia đình từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Với chúng tôi, vấn đề này bao gồm:
Đặt mục tiêu thành tích và từ chối quyền lợi được thừa hưởng. Các thành viên trẻ hơn cần có những tiêu chuẩn rõ ràng về hành vi và thành tích. Tham gia vào việc kinh doanh của gia đình không nên nhìn nhận là một quyền lợi đương nhiên có. Nó là thứ mà họ phải giành lấy, không phải được thừa hưởng.
Kính trọng người lớn tuổi. Kính trọng người lớn tuổi là một giá trị văn hoá mang đậm bản sắc Á châu, nhưng nó lại là chìa khoá dẫn đến thành công ở bất cứ nền văn hoá nào. Sau tất cả, những thành viên cấp cao chịu trách nhiệm để thiết lập “tiếng nói từ trên chóp.” Tất cả văn hoá doanh nghiệp đều bắt đầu từ trên chóp.
Thấu hiểu thế hệ thứ hai. Các thành viên gia đình thuộc thế hệ thứ hai trưởng thành trong những hoàn cảnh khác biệt, nên quan trọng là thế hệ thứ nhất thấu hiểu được quan điểm và tư tưởng thúc đẩy họ.
Trân quý những câu chuyện. Đây là cách những công ty thành công tương tác với các giá trị cốt lõi và tầm nhìn của họ. Nó giúp các thành viên trong gia đình thấu hiểu cũng như ghi nhớ điều gì khiến gia đình họ trở nên đặc biệt.
Những câu chuyện kể trên đòi hỏi các cuộc đối thoại xuyên thế hệ và đặt những cuộc đối thoại này lên hàng ưu tiên. Phần lớn các cuộc đối thoại đều mang tính chất không chính thức, diễn ra trong bữa tối và những cuộc gặp gỡ thông thường. Tuy nhiên những cuộc đối thoại chính thức vẫn phát huy giá trị, ví dụ như một khoảng thời gian hẹn trước của cả gia đình, hoặc một buổi gặp gỡ hàng tháng hay hàng quý để các thành viên gia đình có thể ngồi lại bên nhau và cùng nhau trao đổi những câu chuyện trải dài qua các thế hệ. Điều quan trọng ở đây là chúng luôn thực sự diễn ra.
Theo Phương Uyên Trần